►Đồng vợ đồng chồng
Cùng sinh ra và lớn lên tại miền Tây, anh Phạm Đình Ngãi (quê Đồng Tháp) và chị Thạch Thị Chal Thi (thị trấn Tiểu Cần) hiểu được những khó khăn của bà con nông dân. Học hết trung học phổ thông, cả 2 cùng rời quê lên TP Hồ Chí Minh tiếp tục học đại học để nuôi chí về góp phần xây dựng quê hương. Trong một buổi giao lưu, anh sinh viên Phạm Đình Ngãi (ngành Điện công nghiệp, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật) gặp cô sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa, Thạch Thị Chal Thi. Cả 2 cảm mến nhau. Học xong đại học, tiếp tục học lên cao học rồi cùng xây dựng gia đình, lúc nào anh chị cũng đau đáu mong muốn trở về cống hiến cho quê hương.
Vợ chồng chị Chal Thi và anh Đình Ngãi
Những năm tháng ở TP Hồ Chí Minh, anh Ngãi và chị Thi làm rất nhiều việc để tích lũy kinh nghiệm, vốn và bàn bạc chọn hướng về quê khởi nghiệp. “Cuối năm 2017, giá dừa xuống quá thấp. Vườn dừa hơn 10 công của ba tôi ở Trà Vinh mỗi tháng bán chưa được 2 triệu đồng. Nhìn ba gặp khó mà mình rơi nước mắt. Không chỉ có gia đình mình, rất nhiều bà con ở miền Tây trồng dừa, giá cứ bấp bênh, làm sao họ sống. Tìm cách nâng cao giá trị của cây dừa, giúp cuộc sống của bà con tốt lên cứ thôi thúc tôi tìm hiểu sâu về cây dừa. Tôi tìm trên Internet xem những sản phẩm từ dừa trên thế giới và thấy cách lấy mật hoa dừa là khả thi nhất” – chị Chal Thi kể. Còn anh Ngãi, khi vợ bàn chọn cây dừa khởi nghiệp, anh cũng đắn đo. Nhưng rồi sự đồng điệu trong suy nghĩ lại một lần nữa thôi thúc vợ chồng anh về quê thuyết phục ba cho thử nghiệm lấy mật hoa trên cây dừa của gia đình.
Người thợ thu mật hoa dừa tại Sokfarm
Quyết tâm là vậy nhưng việc lấy mật hoa dừa là cả vấn đề. Lúc này, để đảm bảo thành công, vợ chồng anh lên tận vùng Bảy Núi (An Giang) xem bà con lấy nước thốt nốt, rồi đi Campuchia, Thái Lan, Philippines xem họ lấy mật hoa dừa để học hỏi. “Vấn đề quan trọng hơn lúc này là phải vượt qua định kiến, vì ai trồng dừa lại đi cắt hoa lấy nước. Lúc tôi về cắt gọt hoa dừa lấy mật, ai cũng nói mình học nhiều quá nên khùng. Những ánh mắt tò mò, dò xét càng tiếp thêm động lực cho vợ chồng tôi quyết tâm chinh phục thử thách để có những lít mật đầu tiên” – anh Ngãi kể.
Hoa dừa tại vườn Sokfarm
Từ những lít mật ban đầu, chị Thi nghiên cứu chế biến ra sản phẩm. Còn anh Ngãi thì nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật lấy mật hoa dừa. Anh Ngãi cho biết, để có mật, đầu tiên phải chọn những hoa dừa đủ tuổi, uốn cong trở xuống rồi bó lại để chúng không bung ra. Sau đó, người thợ phải “mát-xa hoa dừa” rồi dùng vật cứng gõ một lực vừa phải, đều xung quanh thì hoa mới tiết mật. Do đó, việc lấy mật hoa dừa đòi hỏi người thợ phải tích lũy kinh nghiệm dần để hoàn thiện các kỹ thuật mát-xa, gõ vào hoa dừa cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi hoa dừa cứ cách 12 giờ lấy được hơn 0,5 lít mật và hết vòng đời thu được tổng cộng khoảng 25 lít mật.
Mật hoa dừa thuần thực vật
►Hướng mới cho cây dừa
Những lít mật hoa dừa đầu tiên được chế biến thành nước uống, mật cô đặc đã tạo tiền đề để anh Ngãi và chị Thi đầu tư mở rộng sản xuất. Tiền tích lũy từ những năm bươn chải ở TP Hồ Chí Minh và vay mượn thêm, anh chị đầu tư khoảng 1,5 tỉ đồng xây dựng nhà xưởng, mua máy móc, tuyển công nhân và thành lập Công ty TNHH Trà Vinh Farm chế biến kinh doanh mật hoa dừa. Lúc này, vườn dừa của gia đình chỉ có vài chục cây phù hợp lấy mật hoa. Để có đủ nguồn nguyên liệu sản xuất lâu dài, chị Thi tổ chức liên kết với bà con nông dân. “Sau khi thành công, tôi tiến hành khảo sát và đặt vấn đề hợp đồng thuê cây dừa với bà con trong xóm. Ban đầu cũng phải thuyết phục vì bà con sợ khai thác mật, dừa sẽ mau chết. Thực tế, một số nước đã làm rồi, nếu không khai thác mật nữa thì dừa vẫn cho trái bình thường, tuổi thọ cũng 30-40 năm. Khi đã thông hiểu, bà con sẵn sàng hợp tác, vì trong thời gian hợp đồng, việc chăm sóc, bón phân chúng tôi đều lo hết” – chị Chal Thi chia sẻ.
Mô hình trồng dừa thu mật tại Trà Vinh
Ông Thạch Sang, ở huyện Tiểu Cần, cho biết: Khi chị Thi hỏi thuê cây dừa để lấy mật, ông cũng lo lắng vì sợ ảnh hưởng đến cây, rồi thu nhập chưa biết thế nào. Nhưng sau hơn nửa năm cho thuê 27 cây dừa, gia đình ông có thu nhập đều đặn 600.000 đồng/tháng. Nếu gia đình có 20 gốc dừa, tự khai thác mật cung cấp cho doanh nghiệp thì hằng tháng thu được 5-6 triệu đồng.
Theo chị Thi, mật hoa dừa vị ngọt thanh, có chỉ số đường huyết thấp hơn so với mật ong, đường mía và có hàm lượng khoáng cao, rất thích hợp đối với những người bệnh tiểu đường, người có chỉ số đường huyết cao, người già bồi bổ cơ thể. Hiện sản phẩm do doanh nghiệp chị sản xuất gồm đường mật hoa dừa, mật hoa dừa cô đặc, hạt ca cao sấy mật hoa dừa. Những sản phẩm này đang được tiêu thụ mạnh tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Phú Quốc… Mới đây, đã có đoàn khách Nhật Bản đến thăm công ty, tìm hiểu quy trình làm ra mật hoa dừa và trao đổi hướng hợp tác lâu dài, mở ra cơ hội đưa các mặt hàng này sang thị trường Nhật Bản. “Hiện sản phẩm rất được ưa chuộng vì mật dừa không chỉ ngon mà còn tốt cho sức khỏe. Kế hoạch sắp tới, tôi sẽ chuyển giao kỹ thuật thu mật cho một số nhà vườn, để bà con tự khai thác mật cung cấp cho công ty, bà con sẽ có thu nhập nhiều hơn và công ty cũng có được nguyên liệu nhiều hơn” – chị Thi hào hứng.
Mật hoa dừa Sokfarm
Sự sáng tạo trong khởi nghiệp của vợ chồng anh Ngãi, chị Thi, không chỉ mở ra một triển vọng trong phát triển vườn dừa, bảo đảm ổn định cuộc sống của bà con nông dân, mà còn tạo việc làm cho lao động nông thôn. Anh Phạm Minh Luân, ngụ xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, cho biết: “Khi chị Thi tuyển nhân viên, tôi vào làm công nhân lấy mật hoa dừa, lương 6 triệu đồng mỗi tháng. Ngoài ra, tôi có 10 cây dừa hợp tác lấy mật bán lại cho công ty, mỗi tháng cũng có thêm 3 triệu đồng”.
Sản phẩm từ Mật hoa dừa thương hiệu Sokfarm
Thực tế sau gần 1 năm ra đời, các sản phẩm của công ty không đủ bán do vùng nguyên liệu còn hạn chế. Trước mắt, chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác với bà con nông dân trong khu vực để đảm bảo nguồn nguyên liệu. Đồng thời nghiên cứu và trồng thử 6 công giống dừa chuyên lấy mật hoa từ Philippines, nếu chúng thích hợp thổ nhưỡng, sẽ tiến hành nhân rộng”- chị Chal Thi nói.